Báo cáo thường niên thị trường tài chính VN 2016

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế - Luật được thành lập từ cuối năm 2013 trên cơ sở của "Phòng mô phỏng thị trường tài chính". Phòng mô phỏng thị trường tài chính là dự án nghiên cứu đầu tiên do ĐHQG TPHCM đầu tư cho Trường Đại học Kinh tế - Luật nhằm tăng cường nguồn lực nghiên cứu của Trường để thực hiện tầm nhìn trở thành một trường đại học theo định hướng nghiên cứu. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Tài chính ra đời sử dụng các nguồn lực của Phòng mô phỏng thị trường tài chính, trong các năm qua đã thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm đánh giá tác động của các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô đến thị trường tài chính Việt Nam, cũng như tác động của thị trường tài chính đến phát triển kinh tế. Các kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học để đưa ra các gợi ý chính sách nhằm phát triển thị trường tài chính và thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững trong bối cảnh hội nhập.

Ngoài việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu, ĐHQG-HCM hàng năm còn tài trợ cho Trường ĐH Kinh tế-Luật thực hiện nghiên cứu một số chủ đề có liên quan để hình thành Báo cáo thường niên thị trường tài chính Việt Nam. Các nghiên cứu này trở thành một hoạt động khoa học thường xuyên của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Tài chính, thuộc Trường ĐH Kinh tế-Luật. Dựa vào các kết quả nghiên cứu có thể đưa ra các ý kiến, quan điểm đại diện cho tiếng nói chung của ĐHQG TPHCM trong việc đóng góp vào quá trình hoàn thiện chính sách kinh tế và tài chính của quốc gia.

Báo cáo thường niên thị trường tài chính Việt Nam được thực hiện với mục đích cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế, phát triển thị trường tài chính, thông báo các kết quả nghiên cứu cùng các đề xuất các kiến nghị chính sách với các điểm nhấn theo chủ đề hàng năm. Báo cáo thường niên thị trường tài chính Việt Nam năm 2016 gồm có năm chương được cấu trúc theo trình tự logic bắt đầu từ phân tích tình hình kinh tế Việt Nam giai đoạn (2011-2016), triển vọng năm 2017 đến lạm phát kỳ vọng được xác định qua kết quả khảo sát người tiêu dùng, sau đó là phân tích tác động của lạm phát đến tăng trưởng kinh tế và suất sinh lời cổ phiếu của thị trường chứng khoán Việt Nam, và cuối cùng là xem xét mối quan hệ giữa lạm phát và chính sách tiền tệ. Cụ thể, Chương 1: Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2016, các yếu tố tác động và triển vọng năm 2017;  Chương 2: Lạm phát kỳ vọng: Sự khác biệt giữa các nhóm người tiêu dùng qua số liệu khảo sát tại Việt Nam; Chương 3: Tác động của lạm phát đến tăng trưởng kinh tế; Chương 4: Lạm phát và tỷ suất lợi nhuận của thị trường chứng khoán Việt Nam; Chương 5: Chính sách tiền tệ và lạm phát tại Việt Nam.

Tài về Báo cáo thường niên thị trường tài chính Việt Nam 2016: Lạm phát và Kỳ vọng: BCTN2016.pdf


HỢP TÁC