Nhằm nâng cao khả năng công bố quốc tế cho các đối tượng giảng viên và các đối tượng người học, ngày 11 tháng 12 năm 2017, Trường Đại học Kinh tế - Luật đã phối hợp với tổ chức VFAI (Vietnam Finance Association International) tổ chức Seminar với chủ đề: “Nâng cao khả năng công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế”.
Buổi Seminar đã diễn ra tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế & Tài chính – Trường Đại học Kinh tế - Luật. Buổi Seminar đã nhận được sự quan tâm của nhiều cán bộ, giảng viên như: GS.TS Nguyễn Thị Cành (Cố vấn cao cấp của Trung tâm NCKT&TC), PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình (Trưởng phòng Sau đại học), TS Nguyễn Anh Phong (Trưởng Khoa TC-NH), TS Trần Hùng Sơn (Giám đốc TT NCKT&TC), TS Trần Quang Văn (Phó Giám đốc TT NCKT&TC), TS Nguyễn Phúc Sơn (Phó Trưởng bộ môn Toán và Thống kê kinh tế), ThS Nguyễn Anh Tuấn (Phó trưởng phòng Quản lý khoa học) và hơn 30 cán bộ, giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu của Trường.
Diễn giả chính của buổi Seminar là PGS.TS Nick Nguyễn, giảng viên của Trường Đại học Massey, New Zealand. Ông cũng đã từng là chủ tịch của VFAI (Vietnam Finance Association International). PGS.TS Nick Nguyễn đã có nhiều nghiên cứu công bố trên các tạp chí khoa học nổi tiếng trên thế giới: Review of Financial Studies, Journal of Banking and Finance, Pacific-Basin Finance Journal, Journal of International Financial Markets, Institutions & Money, Accounting and Finance, and Pacific Accounting Review (Thông tin chi tiết lý lịch tại đường link: https://www.massey.ac.nz/massey/expertise/profile.cfm?stref=546050).
Hiện đang là Tổng biên tập của tạp chí Pacific Accounting Review, PGS.TS Nick Nguyễn đã chia sẻ quá trình ông làm nghiên cứu, những khó khăn gặp phải cũng như thực tế việc phản biện các bài báo gửi đến tạp chí. Theo ông, do số lượng tạp chí có giới hạn, tuy nhiên số lượng người nghiên cứu ngày càng gia tăng, do vậy khả năng đăng bài trên các tạp chí sẽ ngày càng khó khăn, đặc biệt, là các tạp chí hạng A trên thế giới. Có những tạp chí tỷ lệ từ chối có thể lên đến 95%, tức là cứ 100 bài gửi đến, thì có đến 95 bài bị loại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bài bị loại như: không phù hợp với chủ đề tạp chí, hướng nghiên cứu đã quá cũ (rất nhiều người đã nghiên cứu), nguồn số liệu không đáng tin cậy, phương pháp nghiên cứu không có điểm mới, đóng góp vào tri thức hạn chế… Do vậy, cần khắc phục những đặc điểm này để nâng cao được khả năng công bố quốc tế. Trong đó, cần tiếp thu, lắng nghe những đóng góp của phản biện (trao đổi lại những vấn đề phản biện lưu ý, tránh tranh cãi); chỉ ra điểm khác biệt trong nghiên cứu của mình so với các nghiên cứu khác; xây dựng được một nhóm nghiên cứu với cách thức vận hành và làm việc phù hợp; liên tục cập nhật dữ liệu và các nghiên cứu mới thuộc lĩnh vực mà mình quan tâm thông qua các cơ sở dữ liệu và tạp chí nghiên cứu nổi tiếng…
Đến nội dung trao đổi, khá nhiều câu hỏi của các nhà khoa học đã đưa cho PGS.TS Nick Nguyễn như: phương pháp nghiên cứu mới trong NEW, làm sao để có thể đăng tải nghiên cứu trên tạp chí quốc tế nếu chưa từng có lý lịch gì? Ở góc độ khác, ý kiến của GS.TS Nguyễn Thị Cành đã đưa ra những hạn chế chung của các bài báo khoa học tại Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế khi gửi đến các tạp chí quốc tế: “các số liệu minh chứng của các bài báo Việt Nam còn chưa đảm bảo độ tin cậy, quy mô mẫu kiểm định còn nhỏ và hạn chế”. Để giải quyết vấn đề này, theo PGS.TS Nick Nguyễn, ta có thể chỉ ra cách thu thập, chứng minh sự phù hợp của số liệu cũng như những dữ liệu mà ta sử dụng.
Thông qua buổi Seminar, các giảng viên, các nhà nghiên cứu khoa học đã có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế về công bố quốc tế. Từ đó, giúp các nhà khoa học có thể nâng cao khả năng đăng bài trên tạp chí quốc tế, giúp tạo dựng uy tín, từng bước đưa Trường Đại học Kinh tế - Luật phát triển theo định hướng của một trường đại học nghiên cứu tầm cỡ khu vực và quốc tế.